Stress là gì? Stress là một loại phản ứng của cơ thể trước một áp lực, yêu cầu hoặc một yếu tố nào đó tác động, đe dọa đến sự tồn tại lành mạnh của con người cả về tinh thần lẫn thể chất. Stress đang ngày càng phổ biến, nhất là trong đời sống hiện đại. Tìm hiểu về các triệu chứng của stress và cách đối phó với nó là điều cần thiết để giữ gìn cho bản thân một sức khỏe tinh thần lành mạnh.
Hiểu stress là gì để bảo vệ sức khỏe tinh thần của bản thân
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường nghe nhắc đến stress rất nhiều. Những khi căng thẳng, mệt mỏi hay áp lực trong công việc, đôi khi chúng ta vẫn nghĩ có lẽ mình đang bị stress. Liệu khái niệm này có giống như những gì chúng ta vốn nghĩ? Hãy tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây.
Khái niệm stress
Như đã trình bày ở phần đầu, stress có thể được xem là một phản ứng của cơ thể trước một áp lực, một yêu cầu hay một yếu tố nào đó tác động đe dọa đến sự tồn tại lành mạnh của con người về cả tinh thần lẫn thể chất.
Giải thích theo tâm lý học, thì đây là một cảm giác bị dồn ép và căng thẳng. Thông thường, áp lực tâm lý ở một mức độ vừa phải thậm chí còn có lợi cho sức khỏe và công việc, làm tăng hiệu suất vận động, thúc đẩy thích nghi và phản ứng với môi trường. Tuy nhiên, khi áp lực và căng thẳng vượt quá ngưỡng chịu đựng, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái khủng hoảng, sức khỏe thể chất và tinh thần bị tổn hại.
Stress là một loại bệnh tâm lý. Bệnh stress là khái niệm chỉ bệnh căng thẳng thần kinh, có thể dẫn đến nhiều hậu quả khó lường nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời.
Người bị stress có biểu hiện gì?
Nhiều người vẫn thường chủ quan mà bỏ qua những biểu hiện của cơ thể mà không biết rằng mình đang bị bệnh. Một chút tác động về thể chất như đứt tay, trầy xước cũng khiến chúng ta để tâm nhiều, nhưng một loại bệnh tâm lý trầm trọng có sức đe dọa lớn lại thường bị xem nhẹ. Nếu cơ thể xuất hiện một số hay tất cả các biểu hiện sau, rất có thể bạn đang là đối tượng tấn công của stress.
Biểu hiện về cảm xúc
- Căng thẳng và lo lắng thường xuyên
- Buồn bã, khó chịu không lý do
- Chán nản, thờ ơ với mọi thứ, không màng tới những chuyện xung quanh, đầu óc trống rỗng
- Cảm thấy thất vọng về bản thân, thấy mình vô giá trị
- Dễ xúc động vô cớ
Biểu hiện về hành vi
- Chán ăn, bỏ ăn hoặc ăn nhiều một cách bất thường
- Lúc nào cũng hấp tấp, vội vàng
- Nói trước quên sau, không thể tập trung
- Hay làm hỏng việc
- Đưa ra những quyết định kì lạ và vô lý
- Thời gian sinh hoạt bị đảo lộn, ăn uống ngủ nghỉ thất thường
- Hình thành thói quen sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu bia
- Dễ nổi giận, cáu gắt
- Mất ngủ thời gian dài
Biểu hiện về thể chất
- Thường xuyên có cảm giác đau đầu
- Cơ bắp đau ê ẩm hoặc căng cứng
- Đau bụng, tiêu hóa bị rối loạn
- Đổ mồ hôi
- Choáng váng, chóng mặt
- Cơ thể ngứa ngáy
- Khó thở, đau tức ngực
- Miệng khô
- Lãnh đạm với đời sống tình dục
Nguyên nhân gây stress
Nếu những dấu hiệu trên chưa đủ rõ ràng để bạn tin rằng mình đang mắc phải căn bệnh căng thẳng thần kinh này, hãy tự nhìn lại xem có lý do gì khiến bạn lo lắng, áp lực hay không. Các nguồn nguyên nhân chính ra stress thường bao gồm:
- Tác động từ môi trường bên ngoài: Sự ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các thành phố công nghiệp, ô nhiễm tiếng ồn, tắc nghẽn giao thông, khói bụi, thời tiết thay đổi thất thường cũng là những nguyên nhân gián tiếp khiến bạn căng thẳng, bức bối.
- Tác động từ môi trường gia đình và xã hội: Áp lực trong công việc, những cuộc chạy đua về tài chính, địa vị xã hội, những tranh cãi với cấp trên, xích mích với đồng nghiệp, các vấn đề và mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, tình cảm, những mất mát và những chuyện không vui dồn dập đến cùng một lúc mà không giải quyết hay vượt qua được cũng làm bạn suy sụp, lo âu.
- Tác động từ các vấn đề về thể chất: Cơ thể suy nhược do bệnh tật, không đủ chất dinh dưỡng, thiếu ngủ cũng là nguyên nhân gây stress mà bạn cần lưu ý.
- Tác động từ chính suy nghĩ của bản thân: Những suy nghĩ tiêu cực của chính bản thân bạn về những vấn đề trong cuộc sống sẽ dẫn bạn đến trạng thái căng thẳng thần kinh. Quan trọng hóa vấn đề, nghi ngờ người khác, nghi ngờ bản thân, mất niềm tin vào con người và cuộc sống hay tự thất vọng về chính mình là những suy nghĩ thiếu tích cực mà bạn nên tránh.
Stress nguy hiểm đến mức nào?
Đừng nghĩ rằng stress chỉ tác động đến đời sống tinh thần của bạn, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất, gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.
- Ảnh hưởng đến tim
Khi bị stress, cơ thể sản sinh ra một lượng lớn hormone cortisol, làm gia tăng khả năng mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường và béo phì. Lười biếng, ngại vận động cũng là một trong những triệu chứng do stress gây ra, làm tăng mỡ thừa và không tốt cho sức khỏe tim mạch.
- Ảnh hưởng đến não
Tình trạng mất ngủ kéo dài khiến não bị tổn hại trầm trọng, làm giảm độ linh hoạt và khả năng kiểm soát. Bạn cũng thường xuyên bị rơi vào trạng thái choáng váng, đau đầu, hay bị ngất xỉu.
- Ảnh hưởng đến dạ dày
Khi cơ thể căng thẳng quá mức, các loại hormone có nhiệm vụ tăng cường lưu lượng máu đến các cơ trên người sẽ bị suy giảm về số lượng. Kết quả dẫn đến là các cơ không được cung cấp đủ máu, hiệu suất vận động giảm. Dạ dày cũng không ngoại lệ, không co bóp hiệu quả gây ra hiện tượng khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng.
- Ảnh hưởng đến lưng, cổ
Cùng với việc cơ bắp bị mệt mỏi, căng cứng, lưng và cổ của bạn thường xuyên bị đau và tê cứng. Tâm trạng chán nản cũng khiến bạn có xu hướng lười vận động, nằm, ngồi không đúng tư thế dẫn đến đau nhức toàn thân.
- Ảnh hưởng đến da
Stress kích thích các tuyến nhờn hoạt động mạnh, tạo điều kiện cho mụn xuất hiện thường xuyên hơn. Không phải tự nhiên mà lời khuyên chúng ta thường gặp trong chăm sóc da là giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái.
Ngoài ra, stress còn ảnh hưởng xấu đến nhiều cơ quan khác như phổi, mắt, răng miệng, vv….
Về mặt tinh thần, căn bệnh này cũng gây ra những tác hại không nhỏ. Nó khiến bạn hay quên không thể tập trung vào một việc gì, dễ kích động và lo âu, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và cuộc sống. Ở mức độ nặng, người bệnh còn thường xuyên nghĩ tới các chết và bị ám ảnh với ý nghĩ tự làm hại chính mình.
Bị stress nên làm gì?
Dựa trên những nguyên nhân gây ra chứng bệnh căng thẳng thần kinh, bạn có thể tự điều trị stress cho bản thân bằng những phương pháp sau đây.
- Thay đổi môi trường sống: Môi trường ngột ngạt và ô nhiễm rất dễ khiến tâm trạng của bạn xấu đi. Hãy cho mình một không gian lành mạnh hơn để hít thở và thư giãn.
- Xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi điều độ: Thỉnh thoảng có thể thưởng thức những món ăn mà bạn yêu thích để tâm trạng phấn khởi hơn, nhưng nhớ bổ sung nhiều rau xanh và các chất dinh dưỡng cần thiết. Ngoài ra, giấc ngủ là vô cùng quan trọng để đầu óc bạn được nghỉ ngơi và tỉnh táo vào sáng hôm sau.
- Tập luyện thể dục thể thao: Vận động không chỉ giúp cơ bắp khỏe mạnh hơn và còn làm cho tinh thần thoải mái, vui vẻ, yêu đời hơn rất nhiều.
- Suy nghĩ tích cực và hài hước: Tất cả mọi chuyện đều phụ thuộc vào cách nhìn nhận của bạn. Không có gì là quá tệ và không có cách giải quyết nếu bạn suy nghĩ theo hướng tươi sáng hơn.
- Bằng lòng với những gì mình có: Nhiều người rơi vào trạng thái suy sụp chỉ bởi vì họ kỳ vọng quá nhiều vào bản thân hoặc vào người khác. Khi mọi chuyện diễn ra không như mong muốn, họ thấy thất vọng và dằn vặt. Hãy biết rằng khả năng của mình là có giới hạn, và không phải thứ gì bạn mong muốn cũng luôn đạt được.
- Xả stress như thế nào: Tự tìm niềm vui và tiếng cười cho mình trong những điều dị thường ngày, gặp gỡ những người hài hước và tích cực, xem những bộ phim hài chắc hẳn sẽ cải thiện tâm trạng hơn tiếp xúc với những gì tiêu cực và u ám.