Tăng cân thai kỳ rất quan trọng, mẹ cần phải biết đâu là mức tăng cân cần thiết để mẹ và thai nhi khỏe mạnh và đâu là mức tăng cân thừa.
Nhiều người cho rằng khi mang thai thì tăng cân càng nhiều càng tốt vì con bên trong bụng mẹ sẽ được “hưởng” nhiều hơn. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy.
Tiến sĩ Bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy – PGĐ Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết: “Việc tăng cân trong thời gian thai kỳ là rất quan trọng vì việc tăng cân là dấu hiệu của một bà bầu khỏe mạnh, việc tăng cân của thai phụ cũng liên quan trực tiếp đến cân nặng và sự phát triển của bé.
Nếu thai phụ tăng cân quá ít thì thai sẽ chậm phát triển, dễ suy dinh dưỡng bào thai, bé sinh ra dễ bị suy dinh dưỡng và thai phụ có thể đẻ non. Tuy nhiên, nếu tăng cân quá nhiều thì thai phụ lại có nguy cơ bị tiểu đường, cao huyết áp hoặc khó sanh…”
Những bất lợi từ việc tăng cân quá mức
+ Ảnh hưởng đến mẹ:
- Đái tháo đường thai kỳ:
Trong nhiều nghiên cứu cho thấy thai phụ tăng cân quá mức có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao gấp đôi những phụ nữ tăng cân bình thường. Điều đó có nghĩa bé sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh khi trưởng thành.
- Thai to:
Thai phụ tăng cân quá nhiều sẽ khiến thai nhi thường có xu hướng to hơn, vì vậy mẹ sẽ bị mệt mỏi, cổ tử cung giãn rộng và chèn vào cơ hoành gây khó thở, chèn vào tĩnh mạch vùng chậu, gây phù chân. Hơn nữa, việc sinh con to cũng khiến mẹ mất sức nhiều hơn, tổn thương phần mềm như rách âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, mất nhiều máu.
- Mổ lấy thai:
Tỉ lệ mổ lấy thai cao khi siêu âm thai to đặc biệt ở những thai phụ có khung chậu bình thường hay hẹp. Phẫu thuật mổ lấy thai cũng trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn đối với các bà bầu béo phì. Lớp mỡ dày dưới da sẽ khiến bác sĩ khó khăn hơn trong việc gây tê, truyền tĩnh mạch…
- Khó lấy lại vóc dáng sau sinh:
Khi tăng cân quá mức trong thai kỳ sẽ dẫn đến thừa cân và béo phì, điều này cũng là trở ngại không nhỏ về thẩm mỹ làm cho thai phụ có thay đổi không tốt về ngoại hình như: da chùng không săn chắc sau khi sinh con, khó lấy lại vóc dáng sau sinh.
+ Ảnh hưởng đến con:
- Bất thường về tim:
Theo các chuyên gia, thai nhi to cũng dễ bị phì các cơ quan trong cơ thể, điển hình nhất là những bất thường ở buồng tim, dẫn đển xác suất tử vong cao khi ở trong bụng mẹ.
- Ngạt khi sinh:
Khi thai nhi quá to, quá trình chuyển dạ ở mẹ gặp nhiều khó khăn do đầu thai nhi to, không lọt xuống thấp, gây rối loạn cơn gò.
Ngay cả khi đầu thai nhi đã lọt thấp xuống, quá trình sinh nở vẫn diễn ra chậm, đầu dễ bị chèn ép vào khung chậu, xương vai mắc kẹt ở khoang chậu mẹ. Nếu xử lý không kịp thời, có thể con sẽ bị ngạt, dễ gây tử vong.
- Rối loạn chuyển hóa sau sinh:
Những bé sinh nặng cân, sau khi sinh thường dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi huyết, kéo theo một loạt những nguy hiểm: hạ thân nhiệt, suy hô hấp, suy hệ tuần hoàn. Nếu nguy hiểm hơn bé có thể bị xuất huyết não dẫn đến bại não. Các bé sơ sinh thừa cần đều có nguy cơ bị bệnh đái tháo đường nhiều hơn các bé
khác.
- Chấn thương khi sinh:
Thai nhi quá to dẫn đến sinh khó, các bé dễ bị chấn thương, đặc biệt khi sinh có trợ giúp (giác hút, phoóc-xép) như: gãy tay, gãy xương đòn.Kiểm soát trọng lượng thai phụ trong thai kỳ
Thai phụ nên kiểm soát chặt chẽ việc tăng cân trong thai kỳ
Đối với một người bình thường có cân nặng khoảng 45 – 65kg thì sẽ tăng khoảng 10 -12kg trong một thai kỳ. Tùy từng giai đoạn mà có mức tăng khác nhau. Khi mang thai 3 tháng đầu, thai phụ thường sẽ bị sụt 1kg hoặc tăng rất ít (chỉ khoảng 1kg), trong 3 tháng sau thì thai phụ tăng khoảng 2 – 2,5kg trong một tháng. Còn ba tháng cuối, thai phụ sẽ tăng khoảng 2,8kg trong một tháng.
Còn theo Ủy ban đánh giá tình trạng dinh dưỡng trong thời gian mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ năm 1990 thì để biết cân nặng hợp lý của bạn khi mang thai, người ta dựa vào tỷ số trọng khối cơ thể (BMI) trước lúc bạn có thai.
Tỷ số này được tính như sau: BMI = Trọng lượng cơ thể/(chiều cao x chiều cao).
- Nếu BMI 29: bạn nên tăng trên 6kg trong thai kỳ.
- Đa thai thì nên tăng 16 – 20kg trong thời kỳ mang thai.
Kiểm soát chế độ ăn uống: giảm ăn vặt, chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn chậm, nhai kỹ, ăn có nhiều chất xơ, uống đủ nước và không quên tập thể dục nhẹ nhàng cho vừa sức. Việc tập thể dụng cũng giúp cho việc sinh con sau này cũng trở nên dễ dàng hơn.
Khám thai định kỳ: trong quá trình khám thai, thai phụ nên được theo dõi diễn biến cân nặng của mẹ, ước chừng diễn biến tăng trưởng của thai nhi thông qua thăm khám và siêu âm. Ngoài ra, thai phụ nên được kiểm tra đường huyết và đường niệu khi khám thai.