Nha đam, hay còn gọi là lô hội, là một loại cây họ xương rồng, thường được trồng ở những nơi có khí hậu khô, nóng. Gel và nhựa nha đam là những chất thường được ứng dụng nhiều trong y học vì những lợi ích chúng mang lại cho sức khỏe. Hãy tìm hiểu những công dụng của nha đam và cách sử dụng loại nguyên liệu thiên nhiên này trong cuộc sống.
Tổng hợp 10 công dụng của nha đam đối với sức khỏe và làm đẹp
Bên trong lá nha đam gồm có gel và nhựa nha đam. Gel là phần màu trắng, đặc và trong suốt, còn nhựa là chất màu vàng nằm ngay bên dưới vỏ. Trong đó, gel nha đam được xem là thành phần mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và làm đẹp. Dưới đây là một số lợi ích của nha đam được nhiều người tin tưởng áp dụng.
1. Thanh nhiệt, giải độc
Nha đam là một nguyên liệu tự nhiên có chức năng hạ nhiệt, thanh lọc cơ thể, loại bỏ những chất độc và tạp chất có hại ra bên ngoài. Nếu bạn thường xuyên ăn nhiều đồ nóng, dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều tạp chất, hãy bổ sung nước nha đam để cân bằng lại tình trạng bên trong cơ thể.
2. Hỗ trợ tiêu hóa
Uống gel nha đam sẽ giúp bạn giải quyết các vấn đề về tiêu hóa, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Nha đam có chức năng đưa một số lợi khuẩn cần thiết vào ruột để điều trị chứng táo bón. Tuy nhiên, nếu dùng gel nha đam nguyên chất, bạn không nên đưa vào người quá 15ml/ ngày vì có khả năng gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Ngoài ra, nha đam còn bổ sung cho bạn nhiều loại enzym tiêu hóa giúp ăn ngon miệng hơn, thường được sử dụng để làm thuốc bổ.
3. Tăng cường sức đề kháng
Trong nha đam chứa một lượng dồi dào các vitamin A, C, E và nhóm B, cùng tối thiểu 23 loại axit amin và khoáng chất khác giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh. Ngoài ra, các hợp chất khác trong loại cây này cũng có tác dụng chống lại virus, xây dựng một hệ miễn dịch vững chắc cho cơ thể.
4. Kháng khuẩn, kháng viêm
Các chất kháng khuẩn trong nha đam còn được ứng dụng để giải quyết các vấn đề ngoài da. Một trong những tác dụng của nha đam là làm thuyên giảm những cơn sưng tấy của các vết thương nhẹ, vết côn trùng cắn, vết phỏng nhẹ. Nha đam cũng là thành phần thường được sử dụng để điều chế các loại thuốc làm lành miệng vết thương. Không những vậy, dịch tươi của nó còn có khả năng kháng khuẩn lao.
5. Chống mỏi mắt, giảm quầng thâm
Như đã trình bày ở trên, các chất trong nha đam có khả năng thanh nhiệt, làm dịu cảm giác nhức mỏi. Nếu bạn gặp phải cảm giác mỏi mắt do phải hoạt động nhiều trước máy tính hay trong môi trường nhiều khói bụi, hãy đắp phần gel thịt nha đam xung quanh mắt và thư giãn trong khoảng 15 phút. Cảm giác khó chịu sẽ nhanh chóng không còn, trả lại cho bạn đôi mắt sáng và linh hoạt. Lưu ý, không để chất gel tiếp xúc trực tiếp với mắt.
6. Hỗ trợ giảm cân
Nha đam giúp thanh lọc cơ thể, loại bỏ những chất thừa và có hại ra bên ngoài, đồng thời, uống nước nha đam còn tạo ra cảm giác no giả, khiến bạn không thấy thèm ăn trong một thời gian dài. Một loại nước giải khát vừa bổ sung dinh dưỡng, vừa giảm cân được chị em truyền tai nhau là nước nha đam đường phèn. Uống nha đam đường phèn có tác dụng gì? Một ly nước vào trước bữa ăn 30 phút sẽ hỗ trợ hiệu quả cho quá trình giảm cân của bạn.
Lưu ý, tuy đường phèn có vị ngọt thanh hơn đường trắng nhưng bản chất nó cũng là đường, bạn chỉ nên cho một lượng vừa phải để nước có vị ngọt dễ uống mà không gây tăng cân.
7. Trị mụn
Ngoài những công dụng trị bệnh của nha đam, người ta có hay nhắc tới tác dụng của nó trong làm đẹp, đặc biệt là chăm sóc da. Tính kháng khuẩn của nha đam giúp ngăn ngừa mụn, giúp các nốt mụn giảm sưng tấy và không để lại thâm, sẹo trên da. Ngoài ra, nó còn loại bỏ những bã nhờn, không cho các vi khuẩn gây mụn có môi trường để trú ngụ. Bạn có thể đắp nha đam tươi hoặc kết hợp với những nguyên liệu khác như chanh, mật ong, bột yến mạch... để làm thành một loại mặt nạ dưỡng da trị mụn hiệu quả từ thiên nhiên.
8. Trị xơ hóa dưới niêm mạc miệng
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh gel nha đam hỗ trợ điều trị tình trạng xơ hóa niêm mạc miệng, giảm thiểu cảm giác nóng rát, tăng khả năng cử động cằm và miệng. Đồng thời, đặc tính kháng khuẩn của nó cũng làm hạn chế cảm giác đau rát cổ họng do viêm họng, viêm xoang và một số bệnh hô hấp khác gây ra.
9. Trị hôi miệng, sâu răng
Pha một ít nước ép nha đam với nước sạch dùng để súc miệng sẽ giúp bạn tiêu diệt những vi khuẩn gây sâu răng và một số bệnh khác về nướu. Đối với những người đang gặp khó khăn với chứng hôi miệng, hơi thở nặng mùi, súc miệng bằng nước nha đam cũng có thể là một giải pháp.
10. Chống lão hóa
Một trong những công dụng của da đam với da là khả năng dưỡng ẩm, chống oxy hóa, giữ lại cho da bạn độ đàn hồi và vẻ trẻ trung. Đồng thời, da được bổ sung nhiều khoáng chất và độ ẩm cần thiết để duy trì vẻ mịn màng, đầy sức sống.
Một số tác dụng phụ của nha đam
- Ngoài phần gel, nha đam còn chứa chất nhựa màu vàng bên trong lá. Nhựa nha đam cũng được dùng làm thuốc điều trị một số bệnh, nhưng sử dụng không đúng cách sẽ gây ra nhiều tác hại như đau dạ dày, ngộ độc, tiêu chảy. Tích tụ một lượng lớn nhựa nha đam trong người còn có nguy cơ gây ra các chứng suy gan, suy thận, loạn nhịp tim... Bạn tuyệt đối không nên uống trực tiếp loại nhựa này.
- Uống gel nha đam nguyên chất quá liều lượng cho phép có thể gây hiện tượng tiêu chảy.
- Những đối tượng không nên sử dụng nha đam, hoặc nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng: Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người bị bệnh trĩ, tiểu đường, các bệnh liên quan đến thận, người chuẩn bị phẫu thuật hay vừa phẫu thuật xong, người bị dị ứng với các thành phần của nha đam.
Sử dụng nha đam thế nào cho hiệu quả
- Chọn mua nha đam có bẹ nhỏ, màu xanh nhạt
- Tách lớp vỏ xanh bên ngoài, dùng vòi nước rửa sạch hoàn toàn chất nhựa màu vàng, chỉ lấy phần gel trong suốt để sử dụng
- Sử dụng gel nha đam để uống: Dù mục đích sử dụng của bạn là gì, cũng không nên đưa vào cơ thể quá 15ml/ ngày và không uống liên tục quá 40 ngày. Bạn có thể sử dụng những thực phẩm từ nha đam đã qua chế biến như nước nha đam, sữa chua nha đam không quá đậm đặc như nha đam nguyên chất.
- Sử dụng gel nha đam ngoài da: Chỉ đắp nha đam nguyên chất lên những vết thương, vết phỏng nhẹ, không để tiếp xúc với vết thương nặng hay còn hở miệng. Dùng nha đam đắp mặt nạ cũng chỉ nên để trên da khoảng 15 phút rồi rửa sạch, không để quá lâu, thực hiện 2-3 lần mỗi tuần là vừa đủ. Khi ra ngoài, bạn nên che chắn da cẩn thận và sử dụng kem chống nắng để bảo vệ. Nếu bạn có làn da nhạy cảm, dễ kích ứng thì không nên đắp trực tiếp nha đam nguyên chất. Thay vào đó, hãy dùng những sản phẩm dành riêng cho da nhạy cảm có chiết xuất từ nha đam.
Sau khi tìm hiểu về những công dụng của nha đam, bạn hãy ứng dụng loại nguyên liệu tự nhiên này sao cho an toàn và hiệu quả nhất.